5 nghi lễ trong đám cưới truyền thống của phong tục Việt Nam

08/08/2022 Phong tục cưới hỏi 229

Với sự phát triển của thế giới hiện nay, sự du nhập của nhiều văn hoá, đặc biệt là từ phương Tây. Dạo gần đây, hầu hết chúng ta đã bỏ qua những thủ tục, lễ nghi rườm rà theo lối cưới xin truyền thống, nhằm để có một lễ cưới đơn giản hơn. Thế nhưng cá nhân mình thì vẫn thích làm đám cưới theo nghi lễ truyền thống vì mình cảm thấy nó đặc biệt và mang bản sắc văn hóa rất riêng của người Việt.

1. Lễ dạm ngõ

Dạm ngõ là nghi lễ đầu tiên trong một đám cưới truyền thống. Lễ này thực chất là buổi gặp gỡ giữa hai bên gia đình. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tiếp tục quá trình tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Buổi lễ này không cần vai trò hẹn trước của người mai mối và cũng không cần lễ vật rườm rà. Hai nhà nói chuyện để bàn chuyện xem ngày, chọn ngày và các thủ tục khác cho lễ ăn hỏi và lễ cưới.


 

Dù đây là nghi thức khá đơn giản nhưng đến nay vẫn còn nhiều gia đình giữ lại và xem như cơ hội cho hai bên gia đình có gặp gỡ và thân thiết với nhau hơn. Về bản chất, lễ này chỉ là một ứng xử văn hóa giữa hai bên gia đình. Lễ vật trong ngày dạm ngõ đơn giản là trầu cau một số nơi có thêm chè thuốc, kẹo bánh… 

2. Lễ ăn hỏi

Nghi lễ này được coi như lễ đính hôn trong phong tục truyền thống của người Việt. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả con cái giữa hai họ. Đối với miền Bắc, lễ vật nhà trai cần chuẩn bị số lễ là lẻ, bao gồm 5, 7, 9 hay 11 lễ. Còn ở miền Nam thì ngược lại, nhà trai phải chuẩn bị số lễ chẵn. Ở cả hai miền, nhà gái đều là người quyết định số lượng lễ cũng như các vật phẩm trong lễ vật. Thông thường, lễ ăn hỏi sẽ gồm trầu cau, rượu, thuốc lá, chè, mứt sen, bánh cốm, hoa quả, xôi, lợn. Các lễ vật sẽ tùy điều kiện gia đình hai nhà mà chuẩn bị.



 

Vào ngày đẹp đã định sẵn, nhà trai gồm các bô lão trong họ, bố mẹ chú rể và chú rể sẽ mang tráp đến nhà gái, các tráp này sẽ được bưng bê bởi những thanh niên chưa vợ, đồng thời nhà gái cũng phải có số lượng các thiếu nữ chưa chồng tương ứng để đỡ tráp. Trong lễ ăn hỏi, cô dâu diện áo dài truyền thống, còn chú rể mặc vest.

Thủ tục ăn hỏi tiến hành tại nhà gái, có dựng phông rạp, chuẩn bị sẵn trà nước, bánh kẹo để mời họ hàng hai bên. Khi các vị quan khách hai bên đã an tọa, đại diện nhà trai và nhà gái chính thức chào hỏi, cũng như xin phép nhau để cho đôi trai gái được kết duyên. Sau khi hai gia đình đã đồng ý cho đôi uyên ương trẻ tiến tới hôn nhân, bố mẹ sẽ đưa cô dâu chú rể tương lai lên thắp hương, làm lễ gia tiên, báo cáo với tổ tiên nhà gái. Thủ tục cuối cùng là cô dâu và chú rể ra mắt hai họ, rót nước, mời trầu các vị quan khách.

3. Lễ xin dâu

Lễ xin dâu trong đám cưới truyền thống đã có mặt từ rất lâu đời nhưng đến nay thì có một số gia đình bỏ qua để đơn giản hơn trong phong tục cưới hỏi. Với nghi thức này trong đám cưới truyền thống, trước giờ đón dâu, mẹ chú rể sẽ cùng một người thân trong gia đình đến nhà gái đem cơi trầu, chai rượu ( hay còn gọi là tráp xin dâu) để báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ đến, nhà gái yên tâm chuẩn bị đón tiếp.


 

4. Lễ rước dâu

Kế đến trong nghi thức đám cưới truyền thống của dân tộc ta là Lễ đón dâu hay còn gọi là Lễ rước dâu. Trong ngày lễ này chú rể sẽ mang hoa cưới hoặc lễ vật đến đón cô dâu về nhà. Theo phong tục truyền thống thì ở nghi lễ này hai bên gia đình sẽ trao tặng quà cho nhau, của hồi môn cho cô dâu như tượng trưng cho lời chúc phúc đôi vợ chồng mới sẽ luôn hạnh phúc, giàu sang.
 


 

Sau các nghi lễ trong đám cưới truyền thống tại gia đình hai bên thì đôi vợ chồng mới sẽ dành thời gian để tổ chức tiệc cưới nhằm thông báo tin kết hôn đến với bạn bè gần xa và những người xung quanh đến để chung vui với niềm hạnh phúc mới. Trong ngày giờ đẹp đã được chọn sẵn, chú rể sẽ cùng bố và đại diện nhà trai tới nhà gái, đi xe hoa, mang hoa cưới để đón cô dâu về nhà. Trang phục cưới lúc này là trang phục Âu, cô dâu mặc váy cưới màu trắng và chú rể mặc vest. Các quan khách tham dự cũng sẽ ăn mặc thật đẹp để đến chúc phúc cho hai bên gia đình trong đám cưới.

5. Lễ lại mặt

Lễ lại mặt là tục lệ cuối cùng sau đám cưới. Thời gian đôi vợ chồng về lại mặt nhà gái thường là ngay sau ngày cưới. Thông thường, đồ lễ gia đình nhà trai chuẩn bị là gà trống và gạo nếp hoặc đơn giản hơn là bánh kẹo, rượu thuốc để đôi vợ chồng trẻ mang về nhà ngoại. Cô dâu chú rể sẽ ở lại ăn cơm cùng bố mẹ vợ trong ngày này.

Trên đây là những nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa rất riêng của người Việt. Wedding Guu chúc bạn luôn hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm: Nàng dâu chia sẻ: Kinh nghiệm đám hỏi ở miền Tây

 


Những bài viết liên quan